Từ vụ “thần dược” Lipixgo: Nhức nhối nạn thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, lừa người tiêu dùng

Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý và cảnh báo từ chuyên gia y tế, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn được quảng cáo với công dụng “thần kỳ”, đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và tài chính của người dân mà còn làm mất uy tín của ngành thực phẩm chức năng.

Hàng loạt thực phẩm chức năng được quảng cáo sai sự thật

Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện tượng quảng cáo sai sự thật trong ngành thực phẩm chức năng đang trở nên tràn lan. Các hình thức vi phạm bao gồm lừa gạt, giả mạo, quảng cáo phóng đại công dụng, và nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.

“Một số thông điệp quảng cáo như “dội bom” vào nhận thức của công chúng, cam kết điều trị dứt điểm, không khỏi không lấy tiền, trị tận gốc, đẩy lùi mọi biến chứng, thần dược…”, PGS.TS Trần Đáng đã nêu rõ tại hội thảo về đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng, ngày 29/5/2024.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, trong năm 2023, gần 19.000 sản phẩm vi phạm đã bị phát hiện. Riêng quý I/2024, có gần 200 sản phẩm vi phạm.

Các quảng cáo vi phạm thường sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng làm đại diện, cắt ghép video giả mạo truyền hình, và thổi phồng công dụng sản phẩm.

4 hiện tượng vi phạm đạo đức liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng:

– Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo;

– Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm;

– Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm;

– Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo…).

Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo trên các trang mạng xã hội và website như “thần dược,” với các từ ngữ hấp dẫn như “số 1,” “tốt nhất,” “cứu tinh,” “cam kết không tái phát,” “chữa dứt điểm đau xương khớp,”… Tình trạng này đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ tin tưởng một cách mù quáng và dẫn đến hậu quả tiền mất, tật mang.

Một trong rất nhiều trường hợp điển hình là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân bị biến chứng nặng do tin vào quảng cáo sai sự thật về một sản phẩm thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Người này bị lừa mua thực phẩm chức năng trên trang Facebook giả danh BS Trần Văn Chiển – Phó Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau dùng thuốc, bệnh nhân bị biến chứng nặng, dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao, sụt 10kg.

Quảng cáo vi phạm tràn lan trên mạng

Trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng… như thuốc chữa bệnh.

Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…

Ngày 1/4/2024, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thập Vị Xoan, được quảng cáo như có tác dụng điều trị bệnh. Các quảng cáo vi phạm xuất hiện trên nhiều trang web và mạng xã hội, sử dụng hình ảnh bác sĩ và ý kiến bệnh nhân để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Tương tự, sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shikawa cũng bị cảnh báo vì vi phạm quảng cáo, sử dụng hình ảnh bác sĩ và ý kiến bệnh nhân để quảng bá công dụng sai sự thật. Công ty sản xuất sản phẩm này cũng phủ nhận mọi liên quan.

Gần đây, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo về hàng loạt sản phẩm khác vi phạm quảng cáo.

Đáng chú ý, ngày 14/8/2024, Cục An toàn thực phẩm đã phát cảnh báo về việc sản phẩm Insuna được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Một số trang web như webchinhhang.vn, droppii.xyz, và pharmacity.vn đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Những quảng cáo này không chỉ gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng Insuna có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mà còn không phù hợp với nội dung đã được xác nhận trong giấy phép quảng cáo.

Ngoài ra, tại một số đường link:

https://nhathuocthanthien.com.vn/san-pham/tinh-dau-thong-do-sam-ngoc-linh/

https://bigonline.com.vn/san-pham/green-health-tinh-dau-thong-do-sam-ngoc-linh

– đã quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát và xử lý, việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn. Khi được mời lên làm việc với Cục, đại diện các công ty công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm đều khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi quảng cáo vi phạm đó. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.

Trong thời gian các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không nên dựa vào các nội dung quảng cáo vi phạm này để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.

Việc tin tưởng vào các quảng cáo sai lệch này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài chính cá nhân.

anh 220240830121142 1 canh giac chieu tro quang cao than duoc lipixgo ky 1 bia dat thong tin thoi phong cong dung 2024083010540720240831064118 qc sai20240831063044 1

Lạm dụng hình ảnh của các bác sỹ, dược sỹ có uy tín để tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sỹ, dược sỹ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm:

“Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.”

Như vậy, việc làm trên là vi phạm quy định của pháp luật.

Cần tỉnh táo trước những quảng cáo “thần kỳ”

BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cảnh báo rằng việc quảng cáo quá mức về công dụng của thực phẩm chức năng, nhất là những lời hứa hẹn không thực tế như “chữa khỏi hoàn toàn”, “dùng vài tuần có hiệu quả rõ rệt”, đã khiến nhiều người tiêu dùng bỏ qua các phương pháp điều trị chính thống, dẫn đến tình trạng bệnh tật ngày càng nghiêm trọng hơn.

BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh: “Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra các phản ứng dị ứng, thậm chí sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh nguy hại của quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ là vấn đề tài chính. Trong khi người mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, điều trị sớm có thể khỏi nếu không thì cũng có thể kéo dài sự sống. Nếu sử dụng những sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo sai sự thật về dùng không khỏi, người bệnh có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật, thậm chí còn có các sản phẩm có chứa chất cấm.

Để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng, nêu rõ những hành vi vi phạm và biện pháp xử lý. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khuyến nghị cần có tiêu chí đánh giá đạo đức doanh nghiệp để xếp hạng và công khai trên các nền tảng xã hội.

Việc quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng cần cảnh giác và cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm chức năng và không nên tin vào những quảng cáo “thần kỳ” trên mạng. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân:

1. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời;

2. Đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

3. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

4. Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên;

5. Tra cứu thông tin liên quan đến đăng ký bản công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ và http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Contact Me on Zalo
Call Now Button